Nghệ thuật trà trong đời sống Văn hóa của người Việt
Nhiều người vẫn hay đặt câu hỏi: “Tại sao Nhật Bản có trà đạo, Trung Hoa có trà đạo mà Việt Nam lại không?”. Thiết nghĩ, thưởng trà đâu nhất thiết phải tuân thủ theo những đạo lý cố hữu. Nếu chúng ta có một nghệ thuật trà tinh tế, mỗi người thưởng trà tự thưởng thức theo cách riêng của mình đồng thời giác ngộ được phần nào đó giá trị nhân sinh từ chén trà thì có phải chúng ta đã góp phần làm cho nền Văn hóa trà Việt ngày một đa dạng và sâu sắc.
Với nhiều dân tộc trên thế giới thì từ lâu trà đã trở thành một trong những thứ đồ uống rất phổ biến. Với người Nga, người Anh, người Pháp và Hà Lan thì họ có những niềm say mê trà theo cách khác nhau. Đặc biệt với những người dân Châu Á thì uống trà đã được nâng lên thành một nghệ thuật thưởng thức sành điệu mang đậm chất thơ và màu sắc tôn giáo. Những quốc gia có nền văn hóa trà nổi bật phải kể đến như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Nhật Bản và Trung Quốc có trà đạo nhưng Việt Nam thì giữ trà ở vị trí nghệ thuật.
Vậy nghệ thuật trà Việt Nam có gì đặc biệt? Khi thưởng trà người ta thường hướng đến Hòa - Kính - Thanh - Tịnh. Người ta tìm tới trà là người ta tìm đến sự hòa hợp giữa con người với con người và nhiều khi thưởng trà cũng là một cách để tìm đến sự giao hòa với thiên nhiên đất trời. Kính ở đây có nghĩa là tôn kính, kính trọng. Thanh là sự thanh khiết, sạch sẽ và Tịnh là Tịnh tâm. Thưởng trà để có tâm hồn sâu lắng, những căng thẳng cuộc sống đời thường có thể gạt bỏ đi được.
Văn hóa thưởng trà của người Việt
Nhắc đến nghệ thuật trà, người Việt thường có câu: “Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ bình, ngũ quần anh”
Nhất thủy (nước pha trà): Nói đến nước pha trà, người xưa lại có câu: “Sơn thủy thượng, Giang thủy trung, Tĩnh thủy hạ” có nghĩa là nếu lấy nước trên suối thì phải lấy nước đầu nguồn, nếu lấy nước ở sông thì phải lấy nước giữa dòng còn nếu nước giếng thì phải lấy nước ngay mạch ngầm. Ngoài rà, có hai nguồn nước đặc biệt phù hợp để pha trà đó là nước sương đọng trên lá Sen và nước mưa được hứng từ cây Cau.
Nhì trà (loại trà dùng để pha): Người sành trà thường chọn các sản phẩm trà nguyên búp, thuần mộc và có đủ sắc, hương, vị tự nhiên. Nói đến các danh trà hảo hạng của Việt Nam, chúng ta phải kể đến đặc sản Trà Tân Cương, Thái Nguyên hay trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng, Yên Bái…
Tam pha (cách pha trà): Cách pha trà rất quan trọng, tùy từng loại trà mà có cách thức pha khác nhau. Từ khâu tráng ấm, tráng trà, pha nước cho đến cách thức rót trà, dâng trà đều phải tỉ mỉ cầu kỳ và tuân thủ những lễ nghi mang đậm nét truyền thống Việt.
Tứ bình (ấm pha trà): Có rất nhiều loại ấm pha trà nhưng được quy vào hai dòng chính là ấm gốm và ấm sứ. Trong nghệ thuật trà Việt, người thưởng trà vẫn ưu tiên sử dụng ấm gốm hơn vì loại ấm này giữ được nhiệt độ của nước pha tra ở mức độ hợp lý trong 1 khoảng thời gian đủ để các búp trà cho ra hương, sắc, vị tốt nhất. Nói đến ấm gốm thì không thể không nhắc đến các loại ấm Tử sa. Giới sành trà vẫn thường truyền tụng nhau câu nói: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”, đó là những loại ấm pha trà đặc biệt được sử dụng trong nghệ thuật trà.
Ngũ quần anh (người thưởng trà): Trà ngon thưởng với bạn hiền. Trong nghệ thuật trà, trà hữu vô cùng quan trọng. Có được những người bạn tri kỷ cùng nhau thưởng thức trà, đàm đạo nghệ thuật trà, bàn luân những triết lý nhân sinh trong cuộc sống hay trao nhau những vần thơ luôn là mong ước của mỗi trà hữu.
Nhiều người vẫn hay đặt câu hỏi: “Tại sao Nhật Bản có trà đạo, Trung Hoa có trà đạo mà Việt Nam lại không?”. Thiết nghĩ, thưởng trà đâu nhất thiết phải tuân thủ theo những đạo lý cố hữu. Nếu chúng ta có một nghệ thuật trà tinh tế, mỗi người thưởng trà tự thưởng thức theo cách riêng của mình đồng thời giác ngộ được phần nào đó giá trị nhân sinh từ chén trà thì có phải chúng ta đã góp phần làm cho nền Văn hóa trà Việt ngày một đa dạng và sâu sắc.
Đàm Thủy
Bài viết khác
- Lên đỉnh Suối Giàng thưởng chè Shan Tuyết
- Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên - trà ngon nhất và đắt nhất Việt Nam
- Trà Móc Câu và Di sản trà Cánh Hạc vang bóng một thời
- Đặc sản chè Thái Nguyên - Hội tụ tinh hoa đất trời
- Tách trà Thái Nguyên nóng cho một mùa đông lạnh
- Trà Thái Nguyên – nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt