Lên đỉnh Suối Giàng thưởng chè Shan Tuyết
Suối Giàng được coi là xứ sở của loài chè Shan tuyết, những cây chè hàng trăm năm tuổi mọc thành rừng tạo nên những bức tranh thiên nhiên kỳ thú và bí đầy bí ẩn. Chè ở đây cho búp to, lá dầy, trên búp và lá non được phủ một lớp lông trắng như tuyết. Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng mang hương vị đặc trưng vô cùng thuần khiết. Chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu Trí tuệ cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2013.
Chè Shan tuyết Suối Giàng có gì đặc biệt?
Suối Giàng là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, Yên Bái, nằm ở độ cao trên 1300m so với mực nước biển và cách trung tâm huyện Văn Chấn 12 km về phía Bắc. Suối Giàng từ lâu đã được biết đến như là xứ sở của chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Rừng chè cổ thụ Suối Giàng có diện tích khoảng 293 ha, cây chè Suối Giàng mọc tự nhiên có lá to, dày có màu xanh đậm, búp to hơn những búp của những loại chè canh tác ở những nơi khác, những búp chè non được phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết. Vì thế mà bà con nơi đây gọi là chè Shan tuyết.
Khi pha, chè Suối Giàng cho màu nước vàng óng như màu mật ong, khi rót nước ra trên mặt nước của chén trà lan toả một làn hơi tựa như sương khói, dâng chén chè lên tay người ta hít thật sâu để tận hưởng cái hương thơm đầy sức quyến rũ của chè, khi uống xong dư vị cứ lưu mãi ở đầu lưỡi, đó là tinh túy của vị đất hương trời đã được tích tụ trên búp chè Shan tuyết cổ thụ nơi đây.
Chè Shan tuyết Suối Giàng được sao chế như thế nào?
Để đảm bảo được hương vị thuần khiết, đậm đà của búp chè Shan tuyết thì không thể không kể đến kỹ thuật sao chè theo phương pháp thủ công truyền thống của bà con người H’ Mông. Từng búp chè ngon nhất còn vương những giọt sương sớm được bà con tuyển chọn và thu hái bằng tay theo các quy cách riêng biệt. Ngay sau khi hái về, những búp chè được đưa vào chảo để sao chế. Sao chè nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ sao cho hợp lý với từng loại búp chè. Trong quá trình sao lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, vừa không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp chè. Đó là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người thợ sao chè phải để hết tâm huyết vào. Đây là kinh nghiệm và bí quyết sao chè của người Mông trước đây truyền lại. Sao một mẻ chè theo cách này mất khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Sau khi sao, những búp chè xoăn lại đều tăm tắp, trắng như tuyết và thoang thoảng hương thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Hiện nay, nhờ khoa học công nghệ phát triển, bà con vùng chè Suối Giàng đã biết ứng dụng máy móc vào hỗ trợ một số khâu trong quy trình chế biến chè. Với việc vẫn duy trì hái chè bằng tay, sao chè bằng củi kết hợp với sự hỗ trợ của máy móc như máy vò, máy quay chảo đã giúp cho người thợ sao chè nơi đây không những tăng cao năng suất lao động mà còn tạo nên những sản phẩm chè chất lượng hơn.
Làm sao để pha được một ấm chè Shan tuyết ngon?
Để pha được một ấm chè Shan tuyết ngon, trước tiên người pha cần tráng ấm bằng nước sôi, sau đó lấy khoảng 10g chè đã sao khô cho vào ấm, lưu ý nên sử dụng loại ấm pha bằng ấm gốm nung già. Tiếp tục đến khâu tráng chè để cánh chè ngấm và đồng thời loại bỏ các bụi còn bám lại sau công đoạn chế biến. Tiếp đó chế nước sôi vào đầy ấm để bọt trào ra ngoài, đậy nắp lại, xối thêm một lượt nước sôi lên nắp ấm, chờ 3 – 5 phút. Chè Shan tuyết cổ thụ co búp to nên nước phải sôi già từ 95 – 100 độ C, nguồn nước pha trà tốt nhất là nước mưa hoặc nước giếng đá ong. Nếu đang ở đỉnh Suối Giàng thì dùng nước trên đầu con suối chảy về là tuyệt vờ nhất. Khi rót chè, chỉ rót mỗi chén một ít. Khi xong lượt đầu sẽ rót tiếp lượt hai rồi lượt ba, lượt tư cho đến khi mỗi chén chứa đủ 2/3 nước chè. Như vậy sẽ đảm bảo được các chén có hương vị đồng đều nhau. Nếu rót đầy từng chén một sẽ có chén nhạt, chén đậm, chén đậm hương thì nhạt vị, chén đậm vị thì thiếu hương và khiến người uống không thưởng thức được đủ hương vị.
Nâng chén chè Shan tuyết cổ thụ của đỉnh Suối Giàng trên tay, bạn sẽ chưa cảm nhận thấy ngay điều gì đặc biệt. Chỉ khi bạn nhấp một ngụm chè, bắt đầu là vị đắng, vị chát quện vào đầu lưỡi rồi sau đó đến vị ngọt, vị bùi dần dần lan tỏa trong khoang miệng và lắng sâu nơi cổ họng. Ngay lúc này bạn đồng thời bị quyến rũ bởi hương thơm thuần khiết của núi rừng thoang thoảng nhưng vô cùng sâu lắng trong khoang miệng. Những hương vị tinh túy đó như thấm dần vào từng tấc lưỡi, thớ thịt làm cho bạn có cảm giác nâng nâng, sảng khoái và say mê đến lạ thường.
Xem chi tiết một số sản phầm chè Shan tuyết Suối Giàng: Tại Đây
Hồng Quang (Tổng hợp)
Bài viết khác
- Trà Đinh Tân Cương Thái Nguyên - trà ngon nhất và đắt nhất Việt Nam
- Trà Móc Câu và Di sản trà Cánh Hạc vang bóng một thời
- Đặc sản chè Thái Nguyên - Hội tụ tinh hoa đất trời
- Tách trà Thái Nguyên nóng cho một mùa đông lạnh
- Trà Thái Nguyên – nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt
- Việt Cổ Trà - Đặc sản biếu tết ý nghĩa